Các chứng tinh hàn, tinh thiểu, tinh loãng (tinh thanh) đa phần là do thận tinh và thận khí suy giảm gây nên. Khi bị bệnh, ngoài việc dùng thuốc, tập luyện, châm cứu xoa bóp nên trọng dụng các loại thực phẩm sinh tinh sau đây.
Nước cơm: Còn gọi là mễ nhu, mễ thang… là thứ nước cơm sánh đặc nổi lên trên mặt nồi cơm hoặc nồi cháo, có tác dụng tư âm, trường lực, bổ ngũ tạng, sinh tinh. Sách tùy tức cư ẩm thực phổ viết: Mễ du năng bổ dịch điền tinh. Nam giới mắc chứng tinh loãng nên uống nước cơm thường xuyên hòa thêm một chút muối.
Thận dê: Còn gọi là dương thận, vị ngọt, tính ấm có công dụng bổ thận khí, ích tinh thủy, rất có lợi cho nam giới tinh dịch lạnh và loãng. Để chữa thận hư tinh kiệt dùng dương thận 1 đôi, lọc bỏ màng mỡ, thái nhỏ, nấu với nước đậu xị làm canh ăn hoặc nấu cháo cũng được.
Mỡ bìm bịp: Tục gọi là điền kê du, có công dụng bổ thận ích tinh, nhuận phế dưỡng âm, được dân gian coi là loại thực phẩm cường tráng tư bổ. Y thư cổ cho rằng: Điền kê du có tác dụng làm vững thận âm, sinh tinh tăng tủy, nhuận phế tạng, là thuốc quý cho những người tỳ thận hư nhược, khí không hóa thành tinh dịch được.
Nhau thai: Còn gọi là tử hà xa, thai bàn… có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, bổ thận ích tinh. Sách “Hội chước y kính viết”: Với những chứng lưng đau, gối mỏi, thân thể hao gầy, tinh dịch khô kiệt, tử hà xa đều có tác dụng bổ ích.
Kỷ tử: Tính bình, vị ngọt, có công dụng tăng tinh ích tủy, bổ tinh tráng dương, ích thận minh mục. Theo sách bản thảo kinh sơ, kỷ tử có khả năng sinh tinh ích khí, phần âm đã đủ thì tinh huyết cũng dồi dào.
Củ mài: Còn gọi là hoài sơn hay sơn dược, vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ, bổ phế, cố thận ích tinh, làm vững thận, trị được các chứng hư tổn. Cổ nhân khuyên, những người thận hư tinh thiếu ăn hoài sơn càng nhiều, càng lâu thì càng tốt.
Ngoài ra, các thực phẩm khác cũng có ích cho việc bổ thận sinh tinh như hạt dẻ, ngân nhĩ, tổ yến, sữa ong chúa, cao da lừa, tinh hoàn và dương vật chó, đông trùng hạ thảo, tắc kè, nhung hươu…
Theo Kiến Thức