Hỏi: Cha tôi năm nay 82 tuổi, mẹ tôi 80 tuổi, hai ông bà đều còn minh mẫn. Cha mẹ tôi có một căn nhà là tài sản chung. Cha tôi không lập di chúc. Mẹ tôi có lập di chúc để lại phần tài sản của bà cho 3 người con, mỗi người một phần bằng nhau.
Tôi năm nay 60 tuổi, do sợ sức khỏe không tốt nên tôi muốn lập di chúc để lại phần tài sản mà tôi sẽ được thừa hưởng từ mẹ tôi cho người em trai của tôi có được không? Rất mong được luật sư tư vấn giúp.
Xin cảm ơn!
Nguyễn Thị Thơ (quận Thủ Đức, Tp.HCM)
Di chúc thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người
khác sau khi chết. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Trả lời:
Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 2005 (hiện đang áp dụng, thi hành) quy định, di chúc thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Đối với trường hợp của bà, khi mẹ bà vẫn còn sống di chúc của người mẹ chưa có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, phần thừa kế bà sẽ được hưởng sau khi người mẹ qua đời vẫn là tài sản của người mẹ nên bà chưa phải là chủ sở hữu tài sản đó. Theo đó, bà không thể lập di chúc để lại tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình cho bất kỳ ai.
Tuy nhiên, bà có thể đề nghị người mẹ lập di chúc mới cho phép người con trai được hưởng 2 phần thừa kế nếu muốn người em trai được hưởng cả phần thừa kế của mình.
Luật gia Nguyễn Văn Khôi
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính Online