Nối lại sinh hoạt tình dục sau sinh là 1 trong những mối bận tâm hàng đầu của không ít ông bố bà mẹ trẻ, vì sex không chỉ giúp thắt chặt tình yêu thương mà còn tăng gắn kết giữa 2 vợ chồng trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc bé.
Tuy vậy, chọn phương pháp tránh thai nào cho phù hợp và hiệu quả lại không hề đơn giản như nhiều mẹ thường nghĩ. Bằng chứng có không ít chuyện “dở khóc dở cười” đã xảy ra xoay quanh việc chọn nhầm biện pháp tránh thai sau sinh nở.
Chị em nên tránh sinh đẻ quá “dày” để đảm bảo sức khỏe thai sản, cũng như có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng các con tốt hơn (hình minh họa)
Khổ vì chọn cách tránh thai không phù hợp
Tránh thai sai cách không có nghĩa là vận dụng phương pháp tránh thai hoàn toàn không đáng tin cậy hoặc trái với cơ sở khoa học, bài viết này chỉ đề cập đến tình trạng chị em lựa chọn các biện pháp ngừa thai mà không cân nhắc đến đặc điểm cơ địa của mình, đến xác suất tránh thai thành công, hoặc những bất tiện của từng phương pháp v.v…
Bài liên quan:
Trường hợp của mẹ Mai (Q12, TP HCM) là ví dụ điển hình cho việc không tìm hiểu cặn kẽ biện pháp tránh thai sau sinh, dẫn đến áp dụng sai cách, kết quả là năm nay 2 vợ chồng vừa vui mừng chào đón một chú rắn con, năm sau lại phải ngao ngán đón thêm một anh ngựa nhỏ.
Nguyên nhân là dù trước khi sinh cu Ken, mẹ Mai đã chuẩn bị kiến thức kỹ càng cũng như tham khảo kinh nghiệm của chị em bạn dâu trong nhà và các trang báo mạng về những cách tránh thai sau sinh, trong đó có biện pháp cho bé bú giúp ngừa thai hiệu quả đến 98% trong vòng 6 tháng đầu. Nhưng vừa áp dụng chị lại gặp thất bại ngay từ khi Ken gần tròn 4 tháng.
Lần đó, thấy cơ thể có nhiều biểu hiện khác lạ giống như khi cấn thai Ken, chị đã vội mua que thử và với bất ngờ kết quả cho ra 2 vạch đỏ. Dù 2 vợ chồng tự an ủi nhau không “may” nằm trong nhóm tỷ lệ 2% ngừa thai không thành công, nhưng sau trao đổi với bác sĩ sản khoa, chị mới vỡ lẽ ra mình đã tránh thai sai cách. Cụ thể biện pháp ngừa thai này chỉ đạt hiệu quả tối ưu khi mẹ cho con bú liên tục cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, do phải đi làm sớm lúc Ken tròn 3 tháng tuổi, nên chị Mai chỉ có thể cho bé bú vào buổi đêm. Hậu quả là chị đã bị “vỡ kế hoạch” quá sớm so với dự định.
Cùng “cảnh ngộ” với mẹ Mai là mẹ Hoàng (Q Tân Phú, TP HCM). Sau sinh, chị được bác sĩ tư vấn dùng thuốc để ngừa thai. Tuy nhiên, phải thức suốt đêm trông con do bé Susu rất khó ngủ nên sáng nào chị cũng bơ phờ, mệt mỏi, hay đãng trí. Hậu quả là cứ cách khoảng 2 – 3 ngày là chị lại quên uống thuốc rồi sau đó lo lắng không yên khi phát hiện ra mình đã “dính bầu” chỉ sau khoảng 5 tháng vượt cạn.
May mắn chưa bị vỡ kế hoạch như mẹ Mai hay mẹ Hoàng, nhưng chị Tuyết (Q.Bình Tân, TP HCM) lại bị tác dụng phụ của vòng tránh thai hành hạ. Chẳng là sau sinh cu Tin được 4 tháng, chị đã đi đặt vòng vì được tư vấn đây là phương pháp ngừa thai an toàn, hiệu quả.
Tuy nhiên, do cơ địa rất mẫn cảm nên sau đặt vòng không bao lâu, chị không những bị đau lưng, đau bụng dưới thường xuyên, mà kỳ kinh còn rối loạn và ra máu rất nhiều làm cơ thể xanh xao, kiệt sức. Đến nước này, mẹ Tin đành phải đến bệnh viện để lấy vòng ra dù các bạn chị vẫn sử dụng biện pháp này an toàn từ nhiều năm nay.
Tỷ lệ thụ thai ngoài ý muốn khi đặt vòng rất thấp, khoảng 0,05%, tuy nhiên phương pháp này lại có thể gây nhiều phiền toái cho chị em như đau lưng, đau bụng … kéo dài (hình minh họa)
Lưu ý áp dụng các phương pháp tránh thai sau sinh
Do sau quá trình mang thai, sinh nở, cơ thể có nhiều thay đổi so với bình thường, đồng thời phải đảm bảo nguồn sữa và chất lượng sữa cho bé, nên chị em cần cân nhắc trong việc chọn cách tránh thai phù hợp để vừa không bị vỡ kế hoạch, vừa không rước thêm tác dụng phụ không mấy dễ chịu từ những phương pháp mình đang áp dụng. Sau đây là những lưu ý cần thiết chị em cần quan tâm khi áp dụng các biện pháp tránh thai phổ biến sau sinh:
– Cho con bú vô kinh. Đây là phương pháp tận dụng hiệu quả tránh thai tự nhiên từ sữa, vì cho con bú làm gia tăng nồng độ prolactin trong cơ thể mẹ, một chất có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng, từ đó giúp ngừa thụ thai. Dù hiệu quả tránh thai được xác định khá cao, khoảng 98% trong vòng 6 tháng đầu tiên cho bé bú, nhưng để áp dụng đúng biện pháp này, các mẹ cần lưu ý là phải cho bé bú hoàn toàn cả ngày lẫn đêm.
Nhằm tránh bị vỡ kế hoạch như trường hợp của mẹ Mai ở trên, chị em cần lưu ý là phải kết hợp thêm 1 phương pháp tránh thai khác nếu đang cho con bú không hoàn toàn (nghĩa là ngày mẹ bận đi làm nên bé chỉ bú được lúc tối và đêm), cho bé bú không thường xuyên; hoặc mẹ đã có kinh trở lại. Ngoài ra, phương pháp này không áp dụng trong trường hợp mẹ bị nhiễm trùng tuyến vú, mẹ đang sử dụng thuốc có hại cho bé v.v…
– Bao cao su. Luôn là phương pháp tránh thai được khuyến khích sử dụng vì độ an toàn và tỷ lệ ngừa thai cao, tránh lây nhiễm các bệnh tình dục, nhưng bao cao su cũng có các nhược điểm mà chị em cần hết sức lưu ý để tránh có thêm bé nữa ngoài kế hoạch. Đó là phải chọn loại bao có xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, dùng ngay lúc bóc gói và khi vừa bắt đầu quan hệ, đảm bảo thủ thuật dùng bao đúng cách v.v…
Với những chị em có cơ địa nhạy cảm, nên chọn loại bao cao su bằng chất liệu tự nhiên, không quá dày, kiểu dáng đơn giản, không có gai, không mùi, không sử dụng các loại bao trôi nổi trên thị trường, có kiểu dáng dị, khủng, ngoại cỡ …
– Thuốc viên tránh thai. Mẹ cho con bú vẫn có thể dùng các loại thuốc tránh thai chỉ có progestin, vì không gây ảnh hưởng đến sữa và bé. Tuy vậy, trở ngại ở phương pháp tránh thai này là phải uống thuốc hàng ngày vào một giờ nhất định nên gây nhiều phiền phức cho chị em, nhất là khi bé quấy khóc làm mẹ mệt mỏi, hay quên như trường hợp của chị Hoàng ở trên.
Khi đó, nếu quên uống thuốc quá 3 giờ so với thời gian định, mẹ cần phải uống 1 viên ngay khi nhớ ra, kết hợp với việc dùng 1 biện pháp hỗ trợ khác trong vòng 48 giờ nếu có quan hệ. Nếu quên 2 viên cần uống ngay 2 viên khi nhớ ra và sử dụng thêm 1 biện pháp tránh thai khác cho đến khi uống hết vỉ thuốc.
Ngoài ra, nếu có cơ địa nhạy cảm, đã từng dị ứng với thuốc tránh thai trước đó, chị em cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng lại. Thuốc tránh thai cũng không được chỉ định sử dụng cho các mẹ bị suy gan, suy thận bệnh lý, viêm tắc tĩnh mạch…
Phiền phức hay gặp nhất khi dùng viên thuốc ngừa thai là dùng đều đặn hàng ngày, vào đúng 1 giờ nhất định (hình minh họa)
– Vòng tránh thai, que cấy ngừa thai. Đây là 2 biện pháp tránh thai bằng cách đặt dụng cụ ngừa thai vào trong cơ thể mẹ. Cụ thể, vòng tránh thai là dụng cụ nhỏ làm bằng chất dẻo và đồng được đặt vào trong tử cung cho hiệu quả tránh thai khoảng từ 5 – 10 năm, còn que cấy ngừa thai là dùng các que nhỏ như que diêm chứa hormone progesterone cấy vào dưới da với số lượng từ 1 – 6 que tùy loại cho 1 lần cấy, có tác dụng ngừa thai kéo dài lên đến 3 năm.
Do đặt trực tiếp dụng cụ vào cơ thể nên khi áp dụng những biện pháp này, cơ địa mẹ nào quá nhạy cảm có thể sẽ gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn. Với việc đặt vòng, mẹ có thể bị rong kinh, hoặc máu ra quá nhiều, bị đau bụng, đau lưng, nếu bị viêm nhiễm vùng kín thì viêm nhiễm có thể theo vòng lan lên trên, gây viêm phần phụ hoặc nặng hơn là dẫn đến có thai ngoài tử cung sau này…
Que cấy ngừa thai lại có thể gây rong kinh trong vài tháng đầu, cũng có khi chị em sẽ bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn … dù tỷ lệ này ít hơn. Một ưu điểm của que cấy hay vòng tránh thai là nếu để 1 thời gian mà cơ thể vẫn không thích nghi được, chị em hoàn toàn có thể yêu cầu lấy dụng cụ ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng và dễ dàng, và khả năng có thai sẽ được phục hồi ngay sau đó.
Theo Khám phá