Đau nửa mặt, bệnh dễ nhầm với các chứng bệnh khác

Đa số bệnh nhân mắc triệu chứng đau nửa mặt do tổn thương dây thần kinh V, mô tả cơn đau như sau: Người bệnh cảm thấy đau dữ dội nửa bên mặt, cơn đau thường ngắn, từ vài giây đến vài phút.

Bệnh hay xảy ra khi trời lạnh

Hiện nay, nguyên nhân của chứng đau nửa mặt chưa thật sự rõ ràng. Đây là cảm giác đau một nửa mặt tại vùng chi phối của dây V. Các nhà nghiên cứu cho rằng, thời điểm thuận lợi gây bệnh thường vào mùa lạnh, khi sức đề kháng của người bệnh giảm sút dẫn đến tổn thương dây thần kinh.

Nhiều trường hợp bệnh thường xuất hiện và biểu hiện kịch phát do viêm nhiễm làm tổn thương dây thần kinh số V kèm theo các bệnh mạn tính tái phát như: viêm xoang, áp-xe răng, sâu răng, viêm mống mắt hoặc do rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, bệnh gút do lắng đọng acid uric vào ống xương (lỗ trên mắt, lỗ dưới mắt, lỗ cằm) nơi dây thần kinh V đi qua).

dau9 Đau nửa mặt, bệnh dễ nhầm với các chứng bệnh khác

Khu vực các nhánh dây thần kinh số V chi phối.

Ngoài ra, theo nhiều nhà nghiên cứu, đau nửa mặt có liên quan đến đau dây V là do các khối u nằm ở vùng góc cầu – tiểu não và các vùng lân cận của góc cầu – tiểu não như: u màng não, u nang thượng bì, u tuyến yên, u ác tính di căn, túi phình động mạch… Hoặc do các sợi cảm giác của dây V có thể bị chèn ép hoặc bị vặn xoắn làm thay đổi hình thái của sàn sọ như bệnh lý Paget hoặc bởi những thương tổn lành tính tại vùng góc cầu – tiểu não (u màng não, u nang thượng bì, u dây VIII hoặc dị dạng động – tĩnh mạch).

Nhận biết thế nào?

Đa số bệnh nhân mắc triệu chứng đau nửa mặt do tổn thương dây thần kinh V, mô tả cơn đau như sau: Người bệnh cảm thấy đau dữ dội nửa bên mặt, cơn đau thường ngắn, từ vài giây đến vài phút. Giữa các cơn người bệnh không thấy triệu chứng gì. Cơn đau thường xảy ra đột ngột khi người bệnh đang ăn, nói, bị lạnh ở mặt… đôi khi có những vùng da trên mặt bị tăng cảm giác, sờ vào đó sẽ gây đau, còn gọi là “điểm mổ cò”. Khi đau nhiều còn có thể gây co thắt ở nửa mặt và người bệnh thường lấy tay ôm mặt, hay phải chép miệng liên tục và kèm theo co giật cơ mặt, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, nước mũi (do dây V làm hưng phấn dây VII). Cũng có thể là những cơn đau đơn thuần, không có các rối loạn cảm giác khách quan hay các rối loạn khác về vận động, phản xạ. Nhiều bệnh nhân than phiền cơn đau như xé da, dao đâm làm bệnh nhân không dám xoa vào chỗ đau sợ tái phát cơn đau. Cơn đau thường tiến triển từng đợt, ngày càng nặng, thời gian mỗi cơn đau ngày càng tăng.

Dễ nhầm với các chứng bệnh khác

Trên thực tế, cơn đau nửa mặt rất dễ nhầm với các triệu chứng của các bệnh khác. Đa số các trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán nhầm ngay từ ban đầu do bệnh sâu răng hoặc những bệnh lý khác có liên quan đến răng và phần lớn các bệnh nhân này đã nhổ nhiều răng hàm trên hoặc hàm dưới cùng một phía với đau dây thần kinh V2 hoặc V3 rất đặc hiệu. Ngoài ra, đau nửa mặt còn cần phân biệt với một số bệnh như: viêm xoang mặt, thiên đầu thống và migraine (migraine có rối loạn mạch máu, rối loạn tiêu hóa,…). Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán. Sau khi khám lâm sàng, bệnh nhân có thể sẽ được kiểm tra bằng chụp MRI sọ não. Mục tiêu chính của chụp MRI là loại trừ các tổn thương trong não có thể gây ra cơn đau tương tự như u não, mảng xơ cứng… đặc biệt quan trọng đối với các trường hợp cơn đau không điển hình. Tùy từng mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp như: Điều trị nội khoa hay ngoại khoa.

Điều lưu ý, bệnh nhân cần tuân thủ những chỉ định của thầy thuốc, không tự ý điều trị vì như vậy bệnh sẽ không khỏi mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Dây thần kinh V là 1 trong 12 đôi dây thần kinh sọ của người. Dây thần kinh này thực hiện cả hai chức năng vừa cảm giác vừa vận động. Tuy vậy, chức năng chính là cảm giác và mỗi dây V sẽ tiếp nhận cảm giác cho một bên mặt. Dây V được hợp thành từ 3 nhánh thần kinh là V1 – V2 – V3, mỗi nhánh nhỏ này cảm giác cho một phần của nửa mặt (do đó dây V còn gọi là dây thần kinh tam thoa hay dây thần kinh sinh ba). Chứng đau dây thần kinh số V dễ bị nhầm là đau răng vì triệu chứng tương đối giống nhau. Ðặc biệt là dây V2 (nhánh hàm trên) và V3 (nhánh hàm dưới) dễ lẫn với triệu chứng viêm tủy răng (đau đột ngột, lan tỏa, thành cơn, hết cơn thì không đau, mất đột ngột, dùng thuốc giảm đau ít tác dụng và cũng có cảm giác như đau răng).

Theo suckhoedoisong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *