Nam giới ở độ tuổi trung niên thường là đối tượng để bệnh gút tấn công. Tỷ lệ này lên tới 95%. Bệnh gút sẽ gây nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời và để trở thành mạn tính. Khi có biểu hiện ngón chân cái bỗng nhiên sưng đỏ thì có khả năng bạn bị mắc phải gút rất cao.
Khoảng thời gian về đêm là lúc bệnh gút hành hạ người bệnh nhất. Lúc này người bệnh sẽ bị sưng tấy ngón chân cái, cơn đau kéo tới, có thể kèm theo sốt nhẹ và mệt mỏi. Ngón chân cái là vị trí bệnh gút thường xuất hiện nhất, tỷ lệ là khoảng 70%. Theo các chuyên gia, vào 2 đến 3 giờ sáng, ngón chân cái là nơi có nhiệt độ xuống thấp nhất cơ thể – khi đó, độ nhớt của dịch khớp và máu tăng lên, từ đó dẫn tới muối urat dễ kết tủa ở ngón chân cái nên cơn gút cấp thường nặng ở vị trí này hơn vào ban đêm. Nếu không được điều trị dứt điểm, các cơn gút cấp sẽ tái phát nhiều lần và trở thành mạn tính, người bệnh bị sưng đau nhiều khớp khác như: mắt cá chân, khớp gối và khớp đốt ngón tay… và có thể xuất hiện các hạt tôphi dưới da.
Cách phòng ngừa bệnh gút
Lời khuyên của chúng tôi là nam giới trên 30 tuổi nên tiến hành kiểm tra nồng độ axit uric trong máu. Trường hợp lượng axit uric cao hơn mức bình thường (nam là 140- 420 micromol/lít) thì cần thực hiện chế độ ăn uống thích hợp (hạn chế thực phẩm có chứa nhiều đạm, ăn nhiều rau xanh, uống đủ nước,…).
Trong điều trị gút, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc giảm axit uric trong máu, thuốc chống viêm, giảm đau,… nhưng các thuốc này có thể gây một số tác dụng phụ như: ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, dạ dày,…
Sưu Tầm