Để lấy lại vẻ đẹp sau khi sinh em bé dành cho các bà mẹ nhé !
Cho con bú sớm
Các chất dinh dưỡng người mẹ nạp vào cơ thể sẽ được ưu tiên chuyển hóa thành sữa mẹ. Khi bú, động tác nút vú sẽ kích thích sữa ra nhiều hơn, làm tăng quá trình trao đổi chất, lượng hormone tiết ra nhiều hơn, khiến cơ thể người mẹ giải phóng rất nhiều năng lượng, giúp cơ thể nhanh thon gọn.
Sau khi sinh, tử cung co dần dần, một thời gian mới trở lại như cũ, nhưng khi trẻ bú, tử cung được co bóp liên tục, nên phục hồi rất nhanh. Chưa kể, các bà mẹ cho con bú thường phải ngồi dậy nên cũng góp phần giúp sản dịch chảy ra dễ hơn.
Ngoài ra, cho con bú là một trong những phương pháp ngừa thai hiệu quả vì sự khởi động kinh nguyệt sẽ chậm lại, kìm hãm được các hormone kích thích rụng trứng. Người mẹ sẽ ngừa thai được bốn tháng nếu cho con bú 100%, còn nếu không cho con bú hoặc cho bú không hoàn toàn thì trứng sẽ rụng sau 21 ngày.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Do sau khi sinh, việc tử cung thu nhỏ đột ngột sẽ khiến cho bụng rỗng, áp lực trong ổ bụng giảm nên rất dễ gây nên chứng táo bón. Lượng nước cơ thể giữ lại trong khi mang thai sẽ bị thải ra trong vòng 48 giờ sau sinh nên sản phụ dễ bị nhức đầu, suy tim nếu có sẵn bệnh tim mạch. Vì vậy, người mẹ hãy uống nước bất kỳ khi nào cảm thấy khát, nên uống các loại nước có màu sáng như nước lọc, hoa quả ép hay trà pha loãng. Không nên “động” vào trà, cà phê hay rượu vì các chất kích thích không tốt cho sữa mẹ và có thể ảnh hưởng đến em bé.
Trong bữa ăn của sản phụ, ngoài cơm cần có rau xanh, trái cây tươi, đặc biệt là các loại rau nhiều lá, nhằm mang lại các vitamin và khoáng chất. Tránh ăn các món quá mặn như cá hoặc thịt kho quẹt.
Chăm sóc tầng sinh môn
Cần tắm rửa mỗi ngày, vệ sinh ít nhất ba lần vào các buổi sáng, chiều, tối trước khi đi ngủ. Dung dịch vệ sinh rất tốt cho phụ nữ, nhưng sau khi sinh chỉ cần dùng nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm pha muối loãng để vệ sinh là được (một muỗng cà phê muối/1 lít nước). Băng vệ sinh nên thay ít nhất 6g/lần và quan sát xem sản dịch có ra nhiều không, màu gì, có hôi không? Nếu có mùi hôi, sản dịch đã bị nhiễm trùng.
Khi có các triệu chứng như: sản dịch hôi, tử cung đau (đau vùng bụng dưới rốn), tiểu rát buốt, tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt, sốt, vú sưng, đau, tắc sữa, sản phụ nên trở lại bệnh viện tái khám.
Những người sinh con so phải cắt khâu tầng sinh môn, vết khâu thường đau từ 10 – 15 ngày. Cho nên cần giữ vệ sinh khu vực này thật sạch, khô ráo. Nếu đau nhiều, có thể hơ đèn, làm ấm để vết khâu mau lành. Có thể sử dụng thuốc đặt vào trực tràng để giảm đau (phải có chỉ định của bác sĩ).
Siêng tập thể dục
Sản phụ không nên lao động nặng quá sớm, vì mang vác nặng dễ dẫn đến sa sinh dục. Tuy nhiên, không cần kiêng đi lại trong nhà, ngoài sân hoặc làm các việc nhẹ nhàng. Sản phụ cũng nên thường xuyên tập thể dục, việc kiêng cữ nằm một chỗ quá lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, vì sản dịch không chảy ra được, dễ bị viêm tắc tĩnh mạch.
Trường hợp quá mệt mỏi, có thể xoa bóp tay, chân, bụng, lưng và tập cơ tầng sinh môn bằng cách sau khi tầng sinh môn bớt đau, sản phụ nằm trên giường hít vào, kéo co cơ vòng hậu môn vào, nín thở khoảng 15 giây. Sau đó thở ra cho cơ vòng hậu môn giãn ra. Mỗi ngày nên tập 100 – 200 lần để giúp tầng sinh môn săn chắc, trục âm đạo không bị thay đổi so với trước khi mang thai.
Hãy nhớ, không được nằm trong phòng che chắn quá kỹ, không có ánh mặt trời. Hạn chế nằm bếp than vì có thể gây phỏng em bé và bếp than thải ra khí CO, gây hại cho mẹ và bé
Sưu Tầm