Cả hoa, lá, nhựa, vỏ thân và rễ cây đại đều có thể dùng làm thuốc. Theo y học cổ truyền, vỏ thân và rễ đại giúp tiêu thũng, thanh nhiệt, tả hạ. Hoa đại có tác dụng tiêu đờm, trừ ho, thanh nhiệt, trừ thấp, lương huyết. Lá đại giúp hành huyết, tiêu viêm, còn nhựa có thể làm mềm chai chân.
Để bảo quản vỏ thân đại, cần cạo sạch lớp vỏ ngoài, thái mỏng, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Hoa được hái lúc mới nở, có thể dùng tươi hoặc để khô bằng cách phơi hoặc sấy nhẹ (dùng khô tốt hơn).
Sau đây là một số bài thuốc từ cây đại:
– Nhuận tràng: Lấy 4-5 g vỏ thái mỏng, sao thơm, sắc với 200 ml nước, chia làm 3 lần uống trong ngày.
– Chữa táo bón: Dùng 5-10 g vỏ đại thái mỏng, sao thơm, sắc với 200 ml nước, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Hoặc: Vỏ đại 50 g, cám gạo 50 g, sao vàng, tán nhỏ rồi rây thành bột mịn, trộn với hồ làm viên 0,5 g. Người lớn dùng 15 viên mỗi ngày, trẻ em 5-9 tuổi uống 5 viên, 10-15 tuổi uống 10 viên. Chia thuốc uống làm 2 lần với nước đun sôi để nguội (không dùng nước chè).
– Chữa chân răng sưng đau: Lấy 12-20 g vỏ rễ ngâm trong 200 ml rượu 25-35 độ trong khoảng 30 phút. Mỗi ngày ngậm 2 lần, không được nuốt. Chú ý không được dùng quá liều.
– Chữa viêm tấy, lở loét chai chân: Dùng nhựa cây đại bôi tại chỗ.
– Chữa sai khớp, bong gân, mụn nhọt: Lấy lá đại giã nát đắp tại chỗ.
– An thần, giảm huyết áp: Hoa đại khô thái nhỏ 100 g, hoa cúc vàng khô thái nhỏ 50 g, hoa hòe (sao vàng) 50 g, hạt quyết minh (sao đen) 50 g. Tất cả tán thành bột, chia thành gói 10 g. Mỗi ngày dùng 1-2 gói, hãm uống thay nước chè trong ngày. Thuốc có tác dụng bảo vệ mao mạch, làm giảm nhẹ huyết áp, an thần, gây ngủ nhẹ.
Theo SKDS