Suy nhược thần kinh là một bệnh do tình chí, do căng thẳng tâm lý lâu ngày gây ra. Do đó, việc người bệnh tự rèn luyện để kiểm soát cảm xúc và giữ thăng bằng tâm lý là giải pháp triệt để, là cách chữa tận gốc và ổn định nhất.
Suy nhược thần kinh (SNTK) là tình trạng rối loạn chức năng của vỏ não do tế bào não làm việc quá căng thẳng, sinh ra quá tải và suy nhược làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và nghĩ ngơi của cơ thể.
Tùy theo cơ địa và môi trường sinh hoạt của mỗi người, SNTK có thể biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau như mệt mõi dễ cáu gắt, nhức đầu, khó ngủ, đau gáy, hay hồi hộp, lo sợ, kém ăn, táo bón… SNTK kéo dài sẽ dẫn đến hư tổn cả khí lẫn huyết và làm giảm sức đề kháng của cơ thể, là nguồn gốc của mhiều chứng bệnh nghiêm trọng khác, kể cả tim mạch, tiểu đường và ung thư.
Nguyên nhân.
Ngoài những trường hợp bệnh sinh do cơ địa thần kinh yếu, do tiên thiên bất túc, SNTK gây ra chủ yếu do người bệnh phải trãi qua những giai đoạn sang chấn tinh thần kéo dài hoặc lập đi lập lại nhiều lần dẫn đến rối loạn công năng của các tạng phủ, đặc biệt là Tâm, Can, Tỳ và Thận.
Biện chứng.
Từ cổ xưa, y học phương Đông đã biết được tác động xấu của những cảm xúc thái quá đối với sức khỏe con người. Chẳng hạn “Khủng thương Thận”, “Nộ thương Can”, “Ưu thương Phế”… Tuy nhiên bất cứ một cảm xúc âm tính nào tác động lâu dài đều ảnh hưởng đến Can khí khiến Can khí uất là đầu mối của nhiều chứng bệnh nội thương. Bàn về phép trị bệnh, Hải Thượng Lãn Ông có viết “mọi chứng bệnh đều kèm chứng uất, vậy chữa bệnh phải kèm chữa uất”.
Trong hội chứng SNTK, Can khí uất kết lâu ngày làm tổn thương âm huyết thường dẫn đến các chứng trạng âm hư dương xung như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu… Ngoài ra “Can Mộc khắc Tỳ Thổ” đã làm Tỳ mất vận hóa khiến khí trệ, huyết ứ và tâm khí bị tổn thương dễ gây ra những triệu chứng biểu hiện của Tâm và Tỳ hư.
Điều trị.
Từ những nhận định trên phép chữa SNTK thường tập trung giải quyết những vấn đề sau: sơ Can lý khí, kiện Tỳ an thần và bổ huyết dưỡng âm. Sau đây là hai cổ phương thông dụng có thể được dùng để điều trị các triệu chứng của SNTK.
Quy Tỳ thang:
Theo Đông y, “Tỳ chủ tứ chi và cơ nhục”, “Tỳ chủ hậu thiên”, ăn có được ngon miệng, cơm nước có được chuyển hóa thành tinh huyết, cơ bắp có săn chắc, tay chân có linh hoạt phần lớn dựa vào khí hóa của Tỳ vị. Hơn nữa “Tỳ thống huyết”, nếu khí huyết lưu thông điều hòa và kinh lạc được thông suốt thì cơ thể sẽ nhẹ nhàng, thoải mái (thống tất bất thông, thông tất bất thống). Do đó người xưa lập ra thang Quy Tỳ để chữa những trường hợp suy nghĩ, lao tâm quá độ làm tổn thương Tâm Tỳ dẫn đến kém ăn, khó ngủ, mộng mị, hay quên, thân thể nặng nề, mõi mệt, chân tay đau nhức.
Được gọi là Quy Tỳ vì phương thang này có công dụng làm cho khí huyết rong rở trở về tạng Tỳ. Bài thuốc bao gồm Sâm Truật Kỳ Thảo để kiện Tỳ, liểm huyết, bổi bổ nguyên khí. Đương Quy dưỡng huyết, Mộc Hương lý khí. Ngoài ra Quy Tỳ còn bao gồm 4 vị Long Nhãn, Phục Thần, Viễn Chí, Táo Nhân để làm êm dịu thần kinh, điều bổ Tâm Tỳ. Bàn về chữa nội thương, sách Y Trung Quan Kiện của Hải Thượng Lãn Ông có viết “chứng uất do nội thương thất tình dùng bài Quy Tỳ là hay hơn hết”.
Sau đây là nguyên thang gồm 10 vị của bài Quy Tỳ. Tùy theo cơ địa và những triệu chứng thực tế trên lâm sàng, người thầy thuốc sẽ gia giãm linh hoạt để thích ứng với từng trường hợp cụ thể.
Nhân Sâm 12gr Táo Nhân 8gr
Hoàng Kỳ 12gr Phục Thần 6gr
Đương Quy 12gr Viễn Chí 6gr
Bạch Truật 12gr Mộc Hương 4gr
Long Nhãn 8gr Cam Thảo 2gr
Thêm vào Đại Táo 3 quả, Gừng sống 3 lát. Đổ vào 3 chén nước, sắc còn 1 chén. Uống lúc thuốc còn ấm. Có thể đổ thêm 3 chén nước để sắc nước thứ hai.
Tiêu Dao thang:
Tên gọi của bài thuốc đã nói lên tác dụng của nó là làm cho người dùng được thư thái, sảng khoái. Bài thuốc gồm Sài Hồ, Bạc Hà, Sinh Khương để sơ Can lý khí. Đương Quy, Bạch Thược để dưỡng huyết, Bạch Truật, Bạch Linh để kiện Tỳ. SNTK có kèm theo những biểu hiện tình chí uất ức, hay phiền muộn, dễ cáu gắt, đầy, tức hai bên hông sườn… thường thích hợp với phương thang này.
Sài Hồ 12gr Bạch Phục Linh 12gr
Đương Quy 12gr Cam Thảo 4gr
Bạch Truật 12gr Bạc Hà 4gr
Bạch Thược 12gr Sinh Khương 4gr
Đổ tất cả các vị thuốc (trừ bạc hà) cùng với 3 chén nước, sắc còn non 1 chén, xong cho Bạc Hà vào trộn đều vài phút trước khi nhắc khỏi bếp. Uống khi thuốc còn ấm.
Thuốc Nam:
Một số bệnh nhân có khuynh hướng ưa chuộng thuốc Nam có thể dùng bài thuốc sau đây. Bài thuốc gồm Củ Gấu để giải uất; Đinh Lăng, Vỏ Bưởi để kiện tỳ; Rau Má, Thảo Quyết Minh để dưỡng âm. Đặc biệt 2 vị Rễ Nhàu và Thảo Quyết Minh là 2 vị thuốc Nam rất quý cho việc điều trị SNTK cho những người cao tuổi hoặc những trường hợp SNTK có kèm theo nhiều triệu chứng của bệnh tim mạch.
Rễ Nhàu có thể điều hòa thần kinh giao cảm, chữa nhức đầu, mất ngủ, rối loạn áp huyết, rối loạn tim mạch. Thảo Quyết Minh có tác dụng an thần, làm nhuận trường, có thể ngăn ngừa chứng ngưng kết tiểu cầu và làm hạ độ cholesterol cao trong máu.
Rễ Nhàu 24gr Rau Má 12gr
Lá Đinh Lăng 12gr Củ Cỏ Gấu 8gr
Thảo Quyết Minh 12gr Vỏ Bưởi 4gr
(sao vàng) (phơi khô, sao qua)
Gừng sống 3 lát
Đổ 3 chén nước, sắc còn non 1 chén. Uống lúc thuốc còn ấm.
Điều trị không dùng thuốc:
SNTK là một bệnh do nội thương thất tình, do tình chí hoặc do căng thẳng tâm lý gây ra. Vì vậy việc người bệnh tự rèn luyện để kiểm soát cảm xúc và giữ thăng bằng tâm lý chính là giải pháp triệt để, là cách chữa tận gốc và ổn định nhất. Luôn có sự tương tác qua lại giữa thần kinh, trương lực cơ bắp và hoạt động nội tiết, nội tạng. Nếu thư giãn được cơ bắp hoặc giải tỏa được những cảm xúc khó chịu thì hệ thống thần kinh giao cảm sẽ được cân bằng, hoạt động nội tiết sẽ được điều hòa và chức năng khí hóa bình thường của các phủ, tạng sẽ dần dần được phục hồi.
Do đó những phương pháp thư giãn, ngồi thiền, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh đều là những biện pháp hiệu quả để chữa trị suy nhược thần kinh.
Ngoài ra, một nếp sống điều độ, có tinh thần lạc quan, thường tham gia các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt câu lạc bộ, theo đuổi một hay vài thú tiêu khiển lành mạnh cũng là những yếu tố giúp loại bỏ những cảm xúc âm tính và nâng cao những giá trị của cuộc sống.
Theo Y khoa