Đái dầm đông y gọi là Dạ niệu hay Niệu sàng, xảy ra trong trạng thái đêm ngủ đái không tự chủ được thường gặp ở trẻ nhỏ nhiều hơn nên còn có tên gọi là Tiểu nhi di niệu.
*Trị đái dầm biểu hiện sắc mặt trắng xanh, tứ chi không ấm, tiểu nhiều nước trong: Dùng long nhãn nhục hoặc quả vải khô 5 – 10 quả, ăn buổi sáng khi bụng đói.
*Trị đái dầm có sắc mặt trắng xanh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng: Dùng hẹ tươi 100g, rửa sạch cắt khúc. Tôm tươi 200g, làm sạch chân râu, xào với dầu ăn khi gần chín cho hẹ vào, ăn thường xuyên trong nhiều ngày.
*Trị đái dầm biểu hiện sợ lạnh, ít hoạt động, tiểu trong, nhiều: Dùng ruột gà 2 bộ làm sạch, cắt khúc. Ba kích thiên 12g dùng vải màn bọc lại cho vào ninh lấy nước đủ nấu canh. Tra mắm muối cho ruột gà vào nấu chín uống nước canh.
Long nhãn trị đái dầm.
*Trị đái dầm do sức khoẻ yếu, tứ chi không ấm, lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng: Dùng nhục thung dụng 10g, cho vào bát thêm chút nước đun cách thuỷ. Thịt dê 50g băm nhỏ, cùng 50g gạo, nước thuốc, đổ thêm nước vừa đủ nấu thành cháo ăn.
*Trị đái dầm tiểu trong nhiều: Bàng quang lợn 100g, thái miếng. Bạch quả 5g rang chín, bóc bỏ vỏ ngoài. Phúc bồn tử 10g dùng vải màn bọc lại, cho nước vừa đủ nấu cùng tất cả thành canh đặc, nhặt bỏ thuốc tra chút đường trắng vào ăn hết.
*Trị đái dầm ở trẻ: Con niềng niễng tươi 5 con, bỏ cánh, đầu, móng, cho cùng muối ăn rang thơm, cho trẻ ăn mỗi lần 5 con. Ngày 2 lần.
Hay tang phiêu tiêu 10 cái, sấy khô nghiền thành bột cho chút đường cát trộn đều, cho trẻ uống ngày 1 thang. Hoặc tang phiêu tiêu 10 cái, cho cùng bàng quang lợn nấu cùng ăn hết trong ngày.
*Trị trẻ đái dầm biểu hiện hiếu động, trằn trọc khi ngủ, tiểu ít, nhiều lần: Dùng bá tử nhân phơi khô nghiền bột hoà vào nước cơm uống. Mỗi lần 0,5g, ngày uống 2 lần.
*Trị trẻ đái dầm biểu hiện lưỡi đỏ, rêu ít, tiểu tiện ít, vàng: Dùng câu kỷ tử 15g, ngâm mềm, rửa sạch, thận lợn 1 quả, thái mỏng cho dầu ăn xào chín cho ăn.
*Trị trẻ đái dầm có cơ thể yếu, mệt mỏi mất sức: Dùng chim sẻ sống 2 con, làm sạch bỏ ngũ tạng, thỏ ty tử 15g, phúc bồn tử 10g, câu kỷ tử 15g, các thuốc dùng vải màn bọc lại cho vào bụng chim đem hấp cách thuỷ cho nhừ, bỏ bọc thuốc ra nêm chút muối hoặc đường cho trẻ ăn.
Tôm xào hẹ cũng có tác dụng trị đái dầm.
Có thể kết hợp châm cứu các huyệt chính như Trung cực, Quan nguyên, Thận du, Bàng quang du, Tam âm giao. Các huyệt phụ là Khí hải, Thứ liêu, Túc tam lý, Đại đô, Thần môn, Chiếu hải. Vừa châm vừa cứu và kích thích nhẹ, lưu châm từ 15 – 20 phút (chú ý trẻ nhỏ không lưu kim chỉ sử dụng lưu kim đối với người lớn).
Theo “Giang Tô Trung y tạp chí năm 1995” thì sử dụng huyệt chính gồm Quan nguyên, Trung cực, Tam âm giao. Huyệt phụ gồm Hợp cốc, Khúc cốt, Đại chuỳ, Bàng quang du. Mỗi lần châm từ 3 – 5 huyệt; vê kim có cảm giác tê tức là được. Khi châm Quan nguyên và Trung cực phải tạo được cảm giác lan xuống bộ hạ mới hiệu quả. Dùng điếu ngải hơ trên huyệt từ 10 – 15 phút. Mỗi ngày 1lần, 16 lần là một liệu trình.
Theo Nông Nghiệp