Có lời đồn thổi nọc ong có thể chữa được bệnh ung thư, nhiễm HIV, phòng được virus cúm gia cầm..
Đổ xô đi “thử” nọc ong
Theo ghi nhận của PV, tại một số tuyến đường trên địa bàn TP.HCM như Triệu Quang Phục (quận 5), đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp)… xuất hiện những cơ sở chữa bệnh tại nhà với “độc chiêu” sử dụng nọc ong. Qua quá trình tìm hiểu chúng tôi được biết, các cơ sở dùng nọc ong để chữa bệnh thực chất chỉ là hoạt động theo phương thức trá hình “y học cổ truyền”.
Để thu hút khách, một số “tay cò” của những cơ sở này đã đến tận cổng Bệnh viện y học cổ truyền TP.HCM lôi kéo, dụ dỗ người dân với lời mời mọc “nọc ong có thể chữa được nhiều bệnh nan y mà y học từng bó tay” và không ngừng rêu rao rằng: “Dùng nọc ong có thể chữa được hơn 30 loại bệnh”.
Đặc biệt, các bệnh được quảng cáo có thể chữa được còn có ung thư, nhiễm HIV, phòng được virus cúm gia cầm. Điều đáng nói là những người tự xưng là “lương y” này cũng chỉ học lỏm phương pháp chữa bệnh kì dị trên từ một ai đó, không cần chứng nhận, bằng cấp, rồi nghiễm nhiên mở phòng khám hành nghề.
Anh Lê Hữu Thông, công nhân tại KCX Linh Trung II (quận Thủ Đức) thổ lộ: “Cách đây 3 tháng, tôi do phải đứng làm việc cả ngày nên cảm thấy chân tay rất nhức mỏi.
Sau đó, tôi nghe có người mách có phương pháp chữa bệnh bằng nọc ong rất hiệu quả. Nhiều người bị bệnh nặng tưởng chừng không qua khỏi cũng đã hết bệnh nhờ phương pháp này. Thấy vậy, tôi liền tìm đến một cơ sở có khả năng chữa bệnh bằng nọc ong ở quận Gò Vấp.
Tại đây, tôi được thầy xem bệnh và phán rằng bị thấp khớp. Cứ tưởng châm ong xong là bệnh sẽ khỏi như lời đồn nên dù bị ong đốt rất đau, tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Nào ngờ sau khi chữa bệnh về được 3 ngày thì các vết do ong chích của tôi cứ sưng đỏ tấy, mưng mủ, rồi toàn thân sốt cao.
Hoảng quá, vợ tôi ngay lập tức đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu. Vào viện, tôi cũng không dám nói với các y tá là chữa bệnh bằng nọc ong mà nói dối là trèo cây sơ ý bị ong đốt”.
Nọc độc có thể gây chết người
Theo tìm hiểu của PV, ở một số quốc gia trên thế giới, các nghiên cứu về tác dụng của nọc ong chỉ dừng lại ở việc làm rõ cơ chế chống viêm trên chuột thí nghiệm, còn người thì chưa có nghiên cứu cụ thể nào.
Tại Việt Nam, phương pháp chữa bệnh bằng nọc ong được một số “thầy lang” thực hiện bằng cách cho ong “châm” trực tiếp vào các huyệt giúp giảm đau và chữa khỏi đau khớp. Tuy nhiên, đến nay, phương pháp chữa bệnh này vẫn chưa có sự công nhận rõ ràng từ phía Bộ Y tế.
Chị Bùi Thị Hương (ngụ phường Bình Thọ, quận Thủ Đức) cho biết: “Vì ngộ nhận công dụng của nọc ong, tôi nghĩ chỉ cần cho vài con đốt vào sau gáy thì bệnh đau nửa đầu sẽ hết. Thấy trên cây ổi sau nhà có tổ ong nhỏ, tôi bảo thằng con trai phục kích lấy cả tổ, rồi nhờ bà dì dùng kẹp gắp từng con cho nó đốt vào gáy.
Bị ong chích rất đau đớn nhưng nghĩ đến chứng đau đầu hành hạ mỗi ngày nên tôi lấy hết cam đảm chịu đựng. Tuy nhiên, trong vòng 1 tuần, tôi đã thử 2 lần mà vẫn không có tác dụng, thay vào đó là phần gáy sưng húp. Sợ qua, tôi đã ngưng ngay bài thuốc điều trị này”.
TS Phùng Hữu Chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển ong Miền núi cho biết: “Thực tế cho thấy, người bị ong đốt không đúng huyệt thì chỉ gây đau đớn chứ không có tác dụng chữa bệnh. Mặt khác, chữa bệnh bằng ong đốt thường được sử dụng khi giai đoạn cấp tính của bệnh đã qua, có tác dụng phục hồi. Không phải bệnh gì, ở giai đoạn nào mà cho ong đốt cũng khỏi được.
Tôi khẳng định, thông tin cho rằng nọc ong có thể chữa được bệnh ung thư, đặc biệt là bệnh ung thư vú là hết sức phản khoa học. Đông y từng khuyến cáo nọc ong vốn được xem là một loại độc dược, bởi chứa khá nhiều thành phần axit formic. Nếu một người không may bị ong đốt có thể sẽ gặp phải các hiện tượng như sưng tấy, đau buốt. Nặng hơn có thể là ngộ độc, dị ứng, thậm chí tử vong…
Khi ong đốt, chất độc trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong sẽ tiết ra. Một phần vòi độc và bụng của ong sẽ bị bỏ lại ở ngay vị trí đốt. Nọc ong có thành phần chính là protein kèm theo men xâm nhập, men tiêu huyết, tiêu tế bào, các chất gây dị ứng…”
Theo nhiều bác sĩ Đông y, các thành phần độc của nọc ong có chất làm vỡ dưỡng bào, làm giãn mạch, tăng thoát dịch, sưng, phù nề và làm cho chỗ đốt sưng to, đỏ ửng một cách rõ nét. Nọc ong còn có chất kích thích hệ tim mạch và làm cho nhịp tim đập nhanh, nhất là khi bị nhiễm độc nặng.
Người bị ong đốt thường bị rơi vào trạng thái biến đổi điện thế màng ở những cơ quan nhận cảm giác đau, làm cho người bị đốt thấy đau ngay cả với những kích thích nhỏ nhất.
Ngoài ra, nọc ong có chứa apamin là một chất thành phần có khả năng làm bất hoạt bơm can-xi ở màng tế bào. Do đó, nó sẽ làm tê liệt hoạt động của hệ thần kinh và hoạt động cơ. Ở một mức độ nào đó nó sẽ gây ra liệt cơ hô hấp, liệt thần kinh.
Theo TS Phùng Hữu Chính thì “nhiễm độc do ong đốt là nhiễm nọc độc của ong. Tùy theo từng loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều. Có loại gần như không độc như ong mật nhưng cũng có loại gây chết người chỉ với mười vết chích như ong vò vẽ, ong đất.
Ngòi ong vò vẽ không có khựa nên sau khi đốt nốt này vẫn có thể đốt thêm nhiều nốt khác. Vì vậy, người bị ong vò vẽ đốt có nguy cơ tử vong rất cao vì nọc của nó độc ngang với nọc độc của rắn”. Ngoài thực tế, người dân đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bị ong đốt và dẫn đến những cái chết đau lòng.
Gần đây nhất là trường hợp của Phan Thị Kiều Trinh, sinh năm 1994 ở huyện Đăk Đoa, Gia Lai tử vong ngay trong ngày tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai khi bị ong vò vẽ đốt hơn 50 mũi.
Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận bé H.M. (5 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ) gặp biến chứng vì chữa bệnh bằng nọc ong. Trước đó, bố mẹ bé M. đưa con đi chữa bệnh bằng cách cho ong đốt để chữa khối u sau gáy. Sau khi sử dụng phương pháp nay, bé bỗng nhiên sốt cao, co giật mới nên phải nhập viện cấp cứu. Hay trường hợp của chị T.L. (17 tuổi, ngụ quận 5) phải đến bệnh viện An Bình điều trị vì cho ong đốt để chữa bệnh dị ứng da mặt. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị L. bị chứng suy đa cơ quan, suy gan, suy thận, tiểu huyết sắc tố do sử dụng phương pháp chữa bệnh phản khoa học trên.
Theo 24h