Cây hương nhu tía có tác dụng chữa cảm, hôi miệng, đau bụng, giảm sốt…
Ở Việt Nam có 2 loại hương nhu: trắng và tía. Cả 2 loại đều có tác dụng chữa bệnh nhưng hương nhu tía được coi là tốt hơn.
Hương nhu tía còn có tên gọi là é rừng hay é tía. Đây là loại cây nhỏ, cao khoảng 1,5-2 m, thân vuông, thân và cành thường có màu tía, có lông quặp, lá mọc đối có cuống dài thuôn, hình mác hay hình trứng, dài 1-5 cm, mép lá khía răng cưa, hai mặt lá đều có lông. Hoa màu tím mọc thành chùm, xếp từng vòng từ 6-8 chiếc thành chùm. Lá và hoa vò ra có mùi thơm đinh hương.
Hương nhu thường mọc hoang ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng cũng được trồng làm thuốc ở quanh nhà. Người ta có thể trồng hương nhu bằng hạt hoặc bằng gốc giống vào mùa xuân, hạt hương nhu dùng làm giống được thu hái ở cây có quả từ năm thứ hai trở đi và hạt phải gieo ngay mới mọc. Cây hương nhu ưa ẩm, đất mùn, đất bùn ao và ánh nắng, rất thích hợp ở các bờ mương, bờ ao.
Dùng hương nhu tía làm thuốc cần thu hái lúc cây đang ra hoa vì lúc này có tác dụng tốt nhất. Hương nhu tía vị cay ấm, dùng toàn cây (trừ rễ), có thể dùng tươi hoặc phơi khô trong râm mát. Sử dụng hương nhu tía để chữa cảm nắng, làm ra mồ hôi, đau bụng đi ngoài, đau đầu, giảm sốt. Mỗi lần dùng 6-12 g, nếu nấu nước xông thì dùng liều gấp 3 lần. Chú ý không sắc lâu quá 15 phút, không dùng kéo dài đối với người suy nhược cơ thể nặng, đã ra mồ hôi nhiều.
Theo kinh nghiệm dân gian, có thể dùng hương nhu tía chữa hôi miệng theo cách sau: lấy 10 g hương nhu sắc với 200 ml nước, dùng để súc miệng và ngậm. Khi bị cảm mạo, lấy hương nhu tán nhỏ, mỗi lần dùng 8 g pha với nước sôi hay dùng rượu hâm nóng mà chiêu thuốc, ra được mồ hôi là khỏi bệnh.
Theo SKDS