Điếc là trạng thái mất khả năng tiếp nhận âm thanh từ bên ngoài đưa vào. Y học cổ truyền gọi là Nhĩ tủng, Tủng nhĩ, Nhĩ lung.
Theo y học cổ truyền, điếc tai có liên quan mật thiết đến tạng Thận và Can “Thận khí thông với tai, thận hòa thì tai nghe được ngũ âm”. Theo y học cổ truyền, tai điếc có các thể bệnh khác nhau với các triệu chứng, biểu hiện riêng. Với mỗi thể bệnh có các bài thuốc điều trị riêng:
– Thể thận tinh bất túc: do người dâm dục quá độ, tinh hao tủykiệt sinh chứng ù rồi điếc tai, không còn nghe rõ và phân biệt âm thanh nữa, váng đầu, mắt hoa, tim đập mạnh, hồi hộp đánh trống ngực, lưng mỏi, lưỡi đỏ, mạch tế sác. Dùng bài thuốc Đại bổ âm hoàn: hoàng bá 16g, tri mẫu 16g, thục địa 20g, quy bản 4g, đương quy 16g, tủy heo 1 bộ.
– Thể hạ nguyên suy yếu: người già, thiên quý suy, mệnh môn hỏa suy, dẫn tới tai điếc. Dùng bài thuốc Phá cố chỉ hoàn: phá cố chỉ 12g, từ thạch 8g, thục địa 20g, đương quy 12g, nhục quế 4g, thỏ ty tử 8g, xuyên tiêu 8g, bạch tật lê 12g, hồ lô ba 12g, đỗ trọng 12g, bạch chỉ 10g, xuyên khung 10g, xương bồ 8g.
– Thể can hỏa thịnh:
đầu váng, căng đau, mặt đỏ, mồm đắng, mạch huyền sác. Dùng bài thuốc Long đởm tả can thang: long đởm thảo 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 15g, trạch tả 16g, mộc thông 12g, xa tiền tử 12g, đương quy 9g, sinh địa 12g, sài hồ 9g, cam thảo 6g.
– Thể tỳ thận hư: Người mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, ăn uống kém, ngủ ít, tai ù, nghe như có tiếng vang từ xa vọng về, âm ỉ không yên, đầu choáng váng, mắt hoa, đau thắt ngang eo lưng, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng. Dùng bài thuốc Tỳ thận song bổ hoàn: nhân sâm 8g, liên tử 12g, sơn thù 12g, ngũ vị tử 6g, thỏ ty tử 8g, ba kích 10g, sa nhân 12g, nhục đậu khấu 12g, sa tiền tử 12g, phá cố chỉ 8g.
Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 30 phút.
Theo SKDS