Năm 2013 vừa rồi đã có rất nhiều trường hợp trẻ tử vong rất thương tâm do lỗi chủ quan của cha mẹ. Đừng phạm những lỗi cơ bản sau đây nếu mẹ không muốn con “lãnh đủ”.
Cho trẻ dưới 5 tuổi ăn thạch viên
Những loại thạch viên tròng đóng gọi đủ màu sắc có thể tìm mua ở bất cứ tiệm tạp hóa hay siêu thị nào thực ra lại chính là những “sát thủ ngọt ngào” đối với trẻ. Hóc thạch là loại nguy hiểm nhất vì rất dễ đưa đến tử vong. Thạch vốn trơn, lại thường được sản xuất dưới hình trụ, khi cho trẻ ăn nhiều người hay bóc lớp vỏ ngoài rồi bóp ở đầu chóp thạch, thạch sẽ được đẩy ra rất nhanh, mạnh. Nhiều trẻ bị cả miếng thạch đẩy vào miệng nhanh, bất ngờ trôi tọt vào cuống họng nên bị hóc dị vật, gây ngạt.
Thạch vốn mềm nên khi trôi xuống đường thở rất dễ thay đổi hình dáng, bám chặt lấy đường thở nên có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay lập tức. Chưa kể, khi dùng dụng cụ gắp thạch ra cũng rất dễ gây vỡ vụn, những mảnh vụn này lại tiếp tục rơi sâu xuống đường thở, gây khó khăn cho việc cấp cứu. Để phòng ngừa, tốt nhất mẹ không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn thạch.
Kê bàn cao cạnh cửa sổ, nhà chung cư không rào ban công
Đã có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ đến tuổi tập bò, tập đi hay ngay cả những bé mẫu giáo, tiểu học đã lớn nhưng vẫn nghịch ngợm, trèo lên bàn cạnh cửa sổ hoặc ban công và bị trượt ngã gây ra những cái chết rất thương tâm.
Ngã là tai nạn phổ biến nhất, chiếm tới 44% các trường hợp chấn thương trong gia đình.
Đối với trẻ sơ sinh, nguy cơ lớn nhất khi các con biết lật lẫy đó chính là lăn ra khỏi mép giường, cũi hoặc ghế sofa. Trẻ mới biết đi thì thậm chí càng nguy hiểm hơn. Ở độ tuổi ham khám phá, con rất hay trèo leo lên các đồ vật trong nhà, thậm chí bị ngã từ ban công, cầu thang hoặc cửa sổ. Để phòng tránh, mẹ cần:
– Khi đặt con nằm trên giường hoặc cũi luôn phải có thanh chặn ở hai bên. Nếu có thể, hãy dùng giường thấp kiểu Nhật thay vì giường có chân cao.
– Không để bàn hay ghế gần cửa sổ và ban công
– Luôn đóng cửa sổ và cửa ra vào. Nếu để mở, mẹ hãy lắp thêm dây cố định sao cho cửa không mở quá 10cm.
– Đảm bảo các thanh chắn cầu thang đủ hẹp để con không thể lách qua.
– Nếu nhà có ban công hở, hãy lắp thêm lưới kín hoặc lồng sắt để đảm bảo an toàn.
Tưa lưỡi con bằng mật ong
Tưa lưỡi trẻ bằng mật ong rất rủi ro (ảnh minh họa)
Phần lớn các bà, các mẹ ngày xưa khi nuôi con đều cho rằng mật ong rất an toàn cho trẻ nhỏ và thường dùng nó cho trẻ bị tưa lưỡi hay húng hắng ho. Thực ra, mật ong có thể gây nguy hiểm cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nếu chứa bào tử clostridium botulinum – thủ phạm gây một chứng ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm. Tỷ lệ mật ong chứa bào tử vi khuẩn clostridium botulinum là 5%. Con số này rất nhỏ, do đó trường hợp ngộ độc mật ong ít xảy ra. Tuy nhiên nếu trẻ đã lỡ ăn phải, hậu quả nhẹ nhất sẽ là ảnh hưởng đến hệ thần kinh và thậm chí có thể gây tử vong.
Người lớn nuốt phải bào tử clostridium botulinum hầu như không bao giờ bị bệnh bởi hệ tiêu hoá của họ đã trưởng thành, đủ khả năng vô hiệu hoá chúng. Trong khi đó, ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, hệ tiêu hoá còn chưa đủ các vi khuẩn hữu ích, chưa thể tiêu diệt bào tử, ngăn ngừa sự phát triển và sản sinh độc tố của chúng. Vì vậy, khi vào cơ thể trẻ, bào tử có thể giải phóng vi khuẩn và sản sinh độc tố.
Tự ước lượng liều lượng thuốc cho con
Câu nói “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” luôn được nhắc đi nhắc lại trong bất cứ một quảng cáo thuốc nào trên truyền hình. Vậy nhưng vẫn có rất nhiều chị em chủ quan với vấn đề này. Đơn cử như vấn đề dùng Oresol – một loại thuốc có trong tủ thuốc của tất cả các gia đình, có tác dụng bù nước cho bé bị tiêu chảy, mất nước. Pha oresol không đúng liều lượng không đơn giản là làm thuốc mất tác dụng mà thậm chí còn gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ. Đã có rất nhiều trường hợp mẹ Việt cho con uống Oresol liều lượng cao và quá đặc dẫn đến phù não cấp, nặng có thể tử vong, nhẹ thì di chứng thần kinh không hồi phục.
Ngay cả với việc cho bé uống siro thuốc, nếu ghi chú yêu cầu 5ml/ lần, mẹ cũng nên đo đúng theo cốc đo thuốc đi kèm. Tuyệt đối không ước lượng bằng mắt.
Để trẻ ăn nằm
Câu chuyện về bé gái 12 tháng tuổi mới đi học được 2 ngày thì tử vong tại một trường mẫu giáo ở Long Biên hồi tháng 8/2013 vừa qua vẫn còn khiến dư luận đau xót. Nguyên nhân ban đầu được các bác sĩ cho rằng cháu bị sặc cháo.
Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tai nạn sặc cháo, sữa thường xảy ra khi cha mẹ hoặc người trông trẻ cho trẻ ăn không đúng tư thế, do lượng sữa, lượng cháo, bột đưa vào người bé quá nhiều cùng một lúc.
Khi trẻ bị sặc, một lượng thực phẩm lọt vào đường thở (vào khí quản), bít đường thở, điều này khiến tắc đường thở gây khó thở, tím tái hoặc ngạt thở. Nếu không sơ cứu bé kịp thời, bé có thể bị ngạt và dẫn tới tử vong rất nhanh.
Do vậy, khi bé ăn dặm, ăn cháo:
– Không nên ép bé ăn nhiều, không cho bé ăn khi đang nằm
– Không ép trẻ ăn liên tục, nên cho trẻ thời gian nhai kỹ, nuốt hẳn thức ăn trong miệng và chờ thêm một chút trước khi đút muỗng kế tiếp. Tuyệt đối không bóp mũi, ép con phải há miệng để đút thức ăn. Điều này rất dễ khiến trẻ bị sặc.
– Cho dù trẻ ăn được ít hay nhiều, cũng nên dừng bữa ăn sau 30 phút và sau khi ăn, không nên để trẻ nằm ngay.
Theo Khám phá